Khi thời tiết lạnh, cùng với đó là rất nhiều kỳ nghỉ lễ tết, sẽ khiến bạn ít vận động hơn và khó có thể thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc biệt của mình. Đây là những nguy cơ dẫn tới tăng đường huyết.
Bên cạnh đó, khi nhiệt độ ngoài trời quá lạnh (một trạng thái của stress), cơ thể sẽ phải có những phản ứng để thích nghi, chống lại cái lạnh, sinh ra nhiều chất chống lại stress sẽ càng làm tăng đường huyết.
Do đó, vào mùa đông, người bệnh đái tháo đường cần hết sức cẩn trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân, giúp kiểm soát tốt đường huyết.
1.Tập thể dục thường xuyên giúp giảm đường huyết
Hãy nhớ rằng một yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng lớn đến bệnh đái tháo đường là béo phì. Không vận động là yếu tố dẫn tới thừa cân, béo phì.
Không hoạt động đủ có thể dẫn đến nguy cơ tăng đường huyết. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể xử lý một phần đường từ chế độ ăn uống. Do đó, mặc dù thời tiết lạnh không nên ngồi ì một chỗ.
Bạn có thể đi bộ trong nhà hoặc luyện tập theo các hướng dẫn trên mạng để duy trì thói quen tập luyện hằng ngày. Hoặc cũng có thể chia nhỏ thời gian luyện tập: 10 phút vào buổi sáng và 10 phút vào buổi tối… miễn là bạn không ngừng hẳn việc luyện tập trong mùa đông, còn luyện tập với hình thức nào, thời gian ít hay nhiều cũng đều tốt.
2. Kiểm tra những gì bạn đang ăn
Theo dõi chặt chẽ chế độ ăn uống là rất quan trọng, nó không chỉ giúp đảm bảo cơ thể hoạt động tốt mà còn giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Tránh các mặt thực phẩm chiên và chế biến sẵn…
Bệnh nhân đái tháo đường nên ăn nhiều chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt vì chúng giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu.
3. Thường xuyên kiểm tra đường huyết
Điều quan trọng người bệnh phải phải hiểu ý nghĩa của việc theo dõi đường huyết hằng ngày. Mặc dù thời tiết lạnh hay bận rộn với những ngày lễ tết, người bệnh đái tháo đường vẫn phải kiểm tra thường xuyên đường huyết (theo hướng dẫn của chuyên gia y tế).
4. Giảm căng thẳng
Có nhiều nguyên nhân gây đường huyết tăng cao, trong đó căng thẳng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng đường huyết và bệnh đái tháo đường. Điều này là do khi cơ thể bị căng thẳng, stress, tuyến thượng thận có thể kích hoạt giải phóng glucose.
Do đó, người bệnh đái tháo đường cần biết cách quản lý căng thẳng, tránh stress. Có thể thực hành các bài tập thiền, yoga, viết nhật ký… để giải tỏa căng thẳng.
5.Kiểm soát khẩu phần ăn
Điều quan trọng là phải kiểm tra lượng thức ăn được tiêu thụ hằng ngày. Ngoài ra, hãy đảm bảo bổ sung đủ lượng chất dinh dưỡng vào chế độ ăn uống của bạn. Các chất dinh dưỡng đa lượng cung cấp năng lượng cho cơ thể bạn bao gồm carbohydrate, protein và chất béo.
6.Dùng thuốc đều đặn
Thuốc là một trong ba biện pháp (cùng với dinh dưỡng và luyện tập) giúp quản lý tốt đường huyết. Do đó, người bệnh cần dùng thuốc đều đặn theo chỉ đinh của bác sĩ.
Đường huyết cao sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Lượng đường trong máu càng cao trong thời gian càng dài thì các triệu chứng càng trở nên nghiêm trọng hơn, và có thể gây ra choáng, hôn mê… thậm chí tử vong.